| Tiêu đề: sự phát triển của thể loại game Pro Evolution Soccer tại hà nội Tue Aug 31, 2010 4:08 pm |
 |
|  | |  |  |   | |  | | Qua rồi cái thời game thùng, game “bốn nút, sáu nút”, để rồi vào giai đoạn cuối thế kỷ 20, PlayStation 1 chính thức xuất hiện trong làng game Việt Nam. Như một cơn gió mùa, nó lướt qua rất nhanh nhưng để lại những dư vị đậm đà và khởi đầu cho một trào lưu mới. Ngoài số ít những người “mê mẩn” với các game đối kháng như Tekken 2, Bloody Roar 2, Soul Edge..., PS1mang đến một lựa chọn giải trí mới và trở thành một cách giải trí rất hấp dẫn của các bạn học sinh sinh viên vào những lúc rảnh rỗi – đó là game bóng đá nổi tiếng Winning Eleven của Konami. Nhắc đến Winning Eleven, không khó hiểu khi nó trở thành hàng “hot” thời đó, khi bóng đá trở thành môn thể thao số 1 tại Việt Nam, và vô hình chung, game bóng đá cũng trở thành món ăn tinh thần đáng chú ý nhất.
 Mà có lẽ những cái tên ở trên dường như xa lạ quá với game thủ thời ấy, vì có lẽ họ quen hơn với những “Game đấu kiếm”, “Game đánh nhau”, “Bóng đá Nhật 3, Nhật 4” hơn là những dòng chữ “Tây Phương” lạ lẫm. Nhớ cái thời học sinh, mỗi khi tan học, bạn bè lại í ới gọi nhau: “Mày ơi, đi Nhật 3 đi!”, ngẫm lại thấy bâng khuâng biết mấy. Niềm đam mê bóng đá đôi lúc không thể thỏa mãn, vậy là PS trở thành đôi cánh nâng những ước mơ thuở nhỏ ấy thành hiện thực. Để rồi, từ những tựa game mộc mạc như thế, những nhà vô địch PES sau này hình thành. Nguyễn Đức Quang, nick name uNs| Batigol là một ví dụ điển hình, game thủ này từng đá “Nhật 3” trên PS1, từng đường bóng lả lướt đã rèn dũa tư duy của anh thêm sắc bén. Và thế là, một “vua sư tử” làng PES xuất hiện. Nhưng đó là chuyện bây giờ...  Những game Nhật 3, Nhật 4 ấy chỉ là khởi đầu cho một cuộc đổ bộ mạnh mẽ nhất trong lịch sử làng game Việt Nam, đó là ngày Play Station 2 xuất hiện. Với sức mạnh đồ họa vượt trội so với PS1, các game thủ Hà Nội nhanh chóng quên đi những nhân vật với đồ họa cổ lỗ trên máy PS1 để “đắm đuối” vào PS2. Vào khoảng những năm 2001, 2002, phiên bản bóng đá chuyển tiếp giữa PS1 và PS2 tên gọi là Pro Evolution Soccer hay còn gọi là Winning Eleven 5 đã được thay thế bằng Pro Evolution Soccer 2 với sự vượt trội và cách tân trong phong cách đồ họa cũng như lối chơi. Rất nhanh chóng, PES 2 đã trở thành ông vua của làng game thể thao Hà Nội thời ấy, đánh bại FIFA 2001 về số lượng người chơi. Với hình ảnh thẩm mỹ hơn so với FIFA, cách chơi thực hơn rất nhiều cùng việc được so tài “tay đôi” với bạn bè thông qua chiếc tay cầm phù hợp với người Việt Nam, PES đã gắn liền với đời sống game thủ mê bóng đá thời ấy.  Có thể nói, PlayStation 2 phát triển mạnh mẽ đến như vậy ở Việt Nam chính là nhờ PES. Thậm chí, rất nhiều người còn đánh đồng “PS2” với “PES”, không chỉ bởi cái tên giống nhau mà còn bởi đến quán PS2, hầu như 100% người ta đều đá PES. Game thủ Hà Nội dần quen với cảnh hai người ngồi chung một máy PS2, run lên trước những tình huống sút bóng, gào thét sung sướng đến vỡ òa cả quán game khi ghi được bàn. Có thể nói chưa bao giờ game thủ xích lại với nhau gần đến thế, nhất là ở thời ấy mạng Internet vẫn còn quá xa xỉ. Nhận thức nhanh chóng trước tình hình thời thế, nhiều chủ quán kinh doanh game đã rậm rịch chuyển qua mua hàng loạt máy PS2 về phục vụ các “thượng đế”. Trong các trường học, học sinh cứ thế kháo nhau về một loại hình game mới. Một đồn mười, mười đồn trăm, lượng người chơi PS2 tăng cao đồng nghĩa với việc các quán PS2 mọc lên như nấm. Năm học cấp ba, tôi vẫn nhớ cô bạn cùng lớp đã rất ngạc nhiên khi nghe lũ con trai chúng tôi kháo nhau: “Mày ơi, đi PS đi!”. Hài hước lắm, vì cô ấy tưởng rằng chúng tôi... đi xe máy PS đến trường! Phải rồi, con gái mà, âu cũng là một chút hiểu lầm nho nhỏ với “văn hóa PS” thời ấy...  Thực ra “văn hóa” cũng chỉ là một cách gọi vui đối với trào lưu chơi game bóng đá Nhật trên máy PS2. Nhưng nếu đã từng chứng kiến cảnh những hàng quán game PS2 đông nghịt người không thể tìm ra một máy trống vào những ngày cuối tuần, cảnh những game thủ nhỏ có lớn có xôn xao bàn tán về một phiên bản mới của PES, nào là đội nào mạnh lên đội nào yếu đi, nào là cầu thủ nào được kích thêm chỉ số, cầu thủ nào đã được chuyển nhượng sang đội mới, bạn sẽ thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của trò chơi này. Và nếu là một tín đồ của PES, chắc chắn bạn không thể quên cái cảm giác thích thú khi “nhập vai” vào đội bóng yêu thích, tạo ra những pha phối hợp kinh điển, ghi những bàn thắng mà cả năm trời sau vẫn chưa quên. Nguyễn Quang Đạt, một game thủ PES kỳ cựu đất Hà Thành, người từng đại diện cộng đồng PES Việt Nam sang Pháp dự giải đấu ESWC 2006 chia sẻ cảm xúc: “Nhớ cái thời cấp 2, cấp 3, bạn bè tụ họp nhau lại ra hàng PS gần Tăng Bạt Hổ, vui biết mấy, lúc đá, cảm tưởng như mình đang sống trong những Pirlo, Totti thật sự mà không cần ra sân bóng vậy”. Gọi “văn hóa PS” cũng là vì thế đấy!
 Nhưng cũng như bao cộng đồng game khác, cộng đồng PES cũng có những góc tối mà buồn thay lại lồ lộ ra khiến những người lớn tuổi nhìn vào hay lắc đầu ngán ngẩm. Đó là những quán game lúc nào cũng mịt mù khói thuốc, không ngớt vang lên tiếng chửi thề sau một pha bóng hỏng ăn, và nguy hiểm nhất là nạn “đá độ” rất phổ biến, trở thành đất sống cho những game thủ có chút tài năng nhưng lại máu me cờ bạc. Tùy theo mức độ trận đấu và độ “máu me” của các tay chơi, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn, thậm chí cả vài triệu đồng đã bay theo những đường bóng ảo. Rất nhiều game thủ lại coi đó là lò luyện tài năng cho mình, luyện “thần kinh thép” để trở thành một game thủ “pro”. Một đồng tiền có hai mặt, chẳng thể phủ nhận được “văn hóa PS” có cả mặt xấu lẫn mặt tốt, và trong cái cộng đồng đó cũng đòi hỏi sự tỉnh táo của người tham gia để chọn lọc ra những điều tốt đẹp cho mình.  Sự phát triển của PlayStation gắn liền với tựa game bóng đá WE/PES của Konami, và tất nhiên, khi tựa game này vươn lên tới đỉnh cao mới, PlayStation cũng lựa thế mà thay đổi theo. Cách đây hơn một năm, phiên bản PES 2008 ra đời với nền tảng đồ họa thế hệ mới, mạnh mẽ và đẹp đẽ hơn rất nhiều so với những người anh đi trước. Điều đáng nói đó là Konami đã phát hành 2 phiên bản chạy song song, một phiên bản là bước đột phá trong đồ họa, yêu cầu một cỗ máy “chiến” hơn trước rất nhiều, một bản thì vẫn bám theo những giá trị cũ, mà ở đây là máy PS2. Còn cỗ máy “chiến” kia chính là PS3.
 Game thủ Hà Nội đang quá quen thuộc với dòng máy PS2 bỗng dưng cảm thấy đôi chút hụt hẫng, hình ảnh quá đẹp trên hệ máy PS3 của PES 2008 đã làm họ cảm thấy “vương vấn” và mất dần hứng thú với những hình ảnh “cổ lỗ” trên máy PS2 ngày nào. Mặc dù vậy, khi ấy PS3 vẫn chưa thể làm hài lòng được giới game thủ Hà Nội. Lý do thì có nhiều nhưng điều quan trọng nhất, ấy là “kinh tế”. Không nhiều học sinh có khả năng bỏ ra 10 nghìn đồng/giờ chơi PS3 trong khi với số tiền ấy, họ có thể chơi được gần 3 tiếng PS2. Vào những ngày đầu phát triển, quán PS3 Giảng Võ, quán PS3 Hàng Bún... gần như được coi là nơi dành riêng cho những game thủ “cao sang”. Vì vậy PS2 vẫn không ngừng sống và phát triển mạnh mẽ, với những fan trung thành với lối chơi xưa cũ, với giá thành rẻ. Lúc ấy, các chủ quán PS2 mới hể hả, cho rằng cái nghề của mình còn “thọ” lâu lắm.
 Như đã nói, cái gì cũng đến lúc phải suy tàn dù rực rỡ đến mấy. PS2 cũng không nằm ngoài quy luật ấy, phiên bản PES 2009 ra đời dường như đã báo trước sự suy tàn của hệ máy PS2. Hàng loạt quán game PS3 mọc lên với sự đầu tư đáng kể, nếu như trước, chỉ cần những chiếc TV bình thường cùng chục đầu máy PS2, mỗi đầu máy giá chưa tới 3 triệu đã có thể kinh doanh kiếm lời thì nay quán PS3 cần nhiều hơn thê. Theo lời anh Trần Trung Hiếu, chủ cửa hàng PS3 Esport tại phố Trần Đại Nghĩa thì một máy PS3 với TV LCD cùng tay cầm, đĩa game,... đã ngốn gần 1.000USD, đó là chưa kể tiền thuê cửa hàng lên tới 20 triệu VN đồng/tháng. Thế mới biết, PS3 “đại gia” đến thế nào.  Và rồi, như một cơn bão, phong trào mở cửa hàng PS3 tại Hà Nội phát triển nhanh tới mức chóng mặt. Nếu như cách đây một năm, PS3 Hà Nội chỉ lác đác vài ba cửa hàng với số máy khiêm tốn thì nay hàng loạt Câu lạc bộ PS3 đã hình thành với hàng chục máy cùng TV LCD màn hình 42 inches, ghế ngồi nệm rất sang trọng và thoải mái. Có thể nói hiện tại chính là thời điểm mà PS3 đang bùng nổ trên đất Hà thành. Chẳng biết những quán PS2 cũ kỹ, cổ lỗ kia có trụ được trước cơn bão này không khi mà so về chất lượng, PS3 đang chiếm rất nhiều ưu thế.  Rồi thì Sony sẽ ra những phiên bản PS4, PS5, Konami cũng sẽ phát triển tiếp những PES 10, PES 11,... Có lẽ rồi dần dần những game thủ kỳ cựu của PES cũng sẽ chuyển lên chơi những hệ máy mới. Nhưng đó là chuyện xa xôi, còn giờ đây PS2 vẫn đang là lựa chọn số một của những fan yêu game bóng đá ở Hà Nội, ở Việt Nam. Một trào lưu, một thú chơi tồn tại đã gần được chục năm, không dễ quên và còn rất nhiều điều để kể, để nhớ. Trong cái lạnh của những ngày cuối năm, vẫn dễ dàng tìm thấy sự ấm nóng và bầu không khí rừng rực ở những quán game PS. “Vàooo, quá đẹp!!!”, lại một bàn thắng nữa được ghi rồi!... ...Ps sẽ còn mãi... | |  | |  |
| |  | |  |
Hãy cảmơn bài viết của superkhung bằng cách bấm vào " " nhé!!! |
|
| |